50 doanh nghiệp sản xuất xi măng phải kiểm kê phát thải khí nhà kính

30/01/2024

Lượt xem 131

Bộ Xây dựng dự kiến sẽ kiểm kê khí nhà kính 50 doanh nghiệp sản xuất xi măng để tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon nhằm thực hiện xanh hóa nền kinh tế, hướng đến phát thải ròng bằng “0” (net zero).

Cơ sở pháp lý

Được biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon..., sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, đến năm 2030, ngành Xây dựng phải giảm 74,3 triệu tấn CO­2 tương đương (chiếm 13% so với tổng lượng giảm phát thải) đối với quá trình công nghiệp và sử dụng năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà. Tuy nhiên theo NDC 2022 thì lượng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính của ngành Xây dựng sẽ tăng cao hơn.

Kiểm kê 50 doanh nghiệp sản xuất xi măng

Tại hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải” được tổ chức vào cuối năm 2023 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ kiểm kê khí nhà kính 50 doanh nghiệp sản xuất xi măng để tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Theo ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên. Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2014. Tỷ trọng này tăng lên khoảng 90% vào năm 2022. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm sản xuất xi măng là cao nhất. Sản xuất gạch ốp lát, kính xây dựng phát thải khí nhà kính là không lớn nhưng cường độ phát thải của sản xuất kính và vôi là tương đối cao.

Tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Trong đó, có 50 cơ sở sản xuất xi măng đã được ghi nhận là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2026 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng hạn ngạch phát thải trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon

Được biết, hiện Hà Nam là tỉnh dẫn đầu với 5 đơn vị gồm: Nhà máy xi măng Bút Sơn, Nhà máy xi măng Hoàng Long, Nhà máy xi măng Thành Thắng, Nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam, Nhà máy Xi măng Xuân Thành.

Tiếp đến nhóm các địa phương có 4 doanh nghiệp góp mặt trong danh sách này là: tỉnh Hải Dương với Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy Xi măng Phú Tân, Nhà máy Xi măng Phúc Sơn, Nhà máy Xi măng Thành Công 3; tỉnh Thanh Hóa có Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy Xi măng Long Sơn, Nhà máy Xi măng Công Thành, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn 2.

Cả 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình cùng có 4 đơn vị góp mặt trong danh sách này gồm: Nhà máy Xi măng Tân Thắng, Nhà máy Xi măng Sông Lam 1, Nhà máy Xi măng Sông Lam 2, Nhà máy Xi măng Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (Nghệ An); Nhà máy Xi măng Áng Sơn 1, Nhà máy Xi măng Vạn Ninh, Nhà máy Xi măng Văn hóa, Nhà máy Xi măng Sông Gianh (Quảng Bình).

Nhóm các địa phương có 3 doanh nghiệp sản xuất xi măng phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính năm nay gồm: Tỉnh Hòa Bình với Nhà máy Xi măng Trung Sơn, Nhà máy Xi măng X18, Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn. Cùng đó là tỉnh Thái Nguyên với Nhà máy Xi măng La Hiên, Nhà máy Xi măng Quán Triều, Nhà máy Xi măng Quang Sơn...

Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần có lộ trình và có kế hoạch hành động thiết thực tiến vào thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đây là nhóm ngành tham gia vào quá trình kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam một cách mạnh mẽ trong thời gian tới đây.