21/12/2022
Lượt xem 174
Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Đối với việc xây dựng, điều đó có nghĩa là triển khai các công cụ và công nghệ số khai thác sức mạnh của dữ liệu để làm cho hoạt động hiệu quả, năng suất và an toàn hơn.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng xác định rõ quan điểm: Chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và DN trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.
Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng, phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành Xây dựng.
Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Trong khi đó đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Nhìn chung, theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Những biến động lớn của thị trường như bối cảnh, đại dịch,… tạo cho doanh nghiệp xây dựng nhiều áp lực khi buộc phải hoạt động từ xa, thậm chí những kế hoạch, lộ trình đều bị thay đổi đột ngột do hành vi của khách hàng cùng thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Bên cạnh đó, những vấn đề phát sinh như tìm kiếm khách hàng gặp nhiều khó khăn, chưa tận dụng được kho dữ liệu lớn, vấn đề cùng lúc có nhiều dự án cần phải quản lý cũng gây nhiều cản trở cho doanh nghiệp.
Chính vì thế có nhiều doanh nghiệp xây dựng chưa thể đáp ứng được với tiến độ ngay sau khi trở lại với trạng thái bình thường mới. Nhưng chính điều này lại là nguồn động lực to lớn để họ chạy đua hết mình để lấy lại đà tăng trưởng trước đó.
Đánh giá về tiềm năng chuyển đổi số thành công cần phải xét trên hai yếu tố: Con người và Công nghệ. Hiện nay ở nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành xây dựng đang tiến hành bổ sung đào tạo chuyên sâu với quy mô tương đối lớn. Tuy nhiên, số lượng nhân viên nắm vững công nghệ, có thể ứng dụng vào làm việc theo mô hình doanh nghiệp số chưa nhiều. Điều này đang tạo nên một áp lực lớn cho doanh nghiệp xây dựng khi phải chạy đua trong cuộc chiến công nghệ đầy khốc liệt để có thể bứt phá thành công giai đoạn hậu COVID-19.
Không những thế, nhân sự làm việc trực tiếp trong doanh nghiệp cần hiểu rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đó không phải là sự thay đổi mang tính hình thức mà là những cải tiến từ bên trong tư duy xây dựng tổ chức, cần được thực hiện trên tinh thần học hỏi và cầu thị, sáng tạo để đổi mới toàn diện doanh nghiệp.
Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Nếu không có nhân sự tốt, chuyển đổi số không thể thành công; nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng từ trang thiết bị, vật tư xây dựng thì điều này lại càng xa vời hơn nữa.
Chính vì lẽ đó ngay từ bây giờ doanh nghiệp xây dựng cần phải chú ý quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng công nghệ, cơ sở vật chất bao gồm thiết bị, máy móc phần cứng có đáp ứng cho việc tích hợp phần mềm trong chuyển đổi số hay không; dữ liệu, quy trình đã được số hóa chưa và các nền tảng công nghệ có phù hợp với mô hình, lĩnh vực của doanh nghiệp và thân thiện với người dùng không.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ càng và có sự tính toán chi tiết, doanh nghiệp mới có thể lựa chọn được hướng đi cho mình
Hiện nay trên thị trường, có rất nhiều giải pháp công nghệ được tung ra, tuy nhiên không phải giải pháp nào cũng phù hợp với doanh nghiệp. Hình thức giao diện phức tạp, sử dụng công nghệ quá cao so với hạ tầng hay đơn vị thực hiện đào tạo chưa thực sự tỉ mỉ gây khó khăn trong quá trình sử dụng của đa số nhân viên. Điều này cũng sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi phải lựa chọn xem: Thực hiện chuyển đổi số ở đâu, ai thực hiện, thực hiện ra sao và làm thế nào để có được hiệu quả cao nhất.