Những hiểu lầm về BIM (phần 1)

01/03/2021

Lượt xem 75

Từ quá trình tìm hiểu, thực hiện dự án đến suốt thời gian đi tư vấn doanh nghiệp, tôi nhận thấy có vài hiểu lầm về BIM mà tôi nghĩ nên ghi lại ở đây:

1 - Cho rằng xây dựng mô hình 3D là đích đến của việc áp dụng BIM

Việc xây dựng mô hình 3D vốn đã được diễn ra kể cả khi áp dụng BIM hay không bằng nhiều giải pháp phần mềm khác nhau với mục đích diễn hoạ ý đồ thiết kế của các kiến trúc sư, chẳng hạn Sketchup hay 3Ds Max. Các phần mềm vẫn phục vụ tốt cho công việc thiết kế của Kiến trúc sư, chỉ một vấn đề là tính đồng bộ thông tin với các dữ liệu còn lại của dự án, mà quan trọng nhất là bộ bản vẽ nếu nó được thực hiện bằng AutoCAD. Với các bộ môn khác, chẳng hạn thiết kế kết cấu, việc tạo lập mô hình sơ đồ tính trong các phần mềm phân tích vẫn được thực hiện để phục vụ thiết kế. 

Như vậy, quá trình tạo lập mô hình 3D cũng chính là quá trình mà các Kiến trúc sư hoặc Kĩ sư đang khai thác thông tin từ mô hình đó. Kiến trúc sư đánh giá thiết kế và chỉnh sửa mô hình đến khi ưng ý. Tương tự, Kĩ sư chỉnh sửa mô hình sơ đồ tính ngay khi kết quả không đảm bảo yêu cầu thiết kế. 

Việc áp dụng BIM không phải là bỏ đi không sử dụng các phần mềm chuyên dụng trước đây, mà là xây dựng nên một quy trình phối hợp tốt hơn giữa các thành viên trong dự án, nguyên tắc trao đổi thông tin giữa các giải pháp phần mềm khác nhau, nhằm đảm bảo thông tin được đồng bộ hoá hơn, đáng tin cậy hơn để đưa ra quyết định. Việc phát hiện vấn đề, trao đổi vấn đề và đưa ra quyết định tương ứng ở thời điểm phù hợp được diễn ra xuyên suốt quá trình tạo lập mô hình, chứ không phải đợi đến khi tạo lập mô hình xong mới thực hiện khai thác. 

Và mỗi ứng dụng trên mô hình gọi là một BIM Use.

 

 

 

2 - Định nghĩa BIM là Building Information Management và cho rằng chỉ có áp dụng BIM thì mới gọi là Quản lý thông tin

Cho rằng BIM bao gồm việc Quản lý thông tin là không sai, nhưng định nghĩa gốc của BIM - Building Information Modeling, đúng với bản chất và mục tiêu gốc của nó - "Mô hình hoá thông tin công trình". Mô hình hoá để làm gì? Để thông tin được thể hiện trực quan hơn, quản lý tốt hơn, dễ dàng hơn và điều đó cũng có nghĩa là thông tin đáng tin cậy hơn để quyết định. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, các quy trình quản lý dự án trước đây quản lý thông tin không tốt. 

Dự án dù áp dụng công nghệ cũ hay công nghệ mới thì đều xoay quanh vấn đề quản lý thông tin cả. Có chăng, với các công nghệ hiện đại, nhiều giải pháp phần mềm đã đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của quản lý dự án. Tất nhiên, với các giải pháp mới, thì phải có các tiêu chuẩn và quy trình phù hợp để thực hiện.

 

3 - BIM là phần mềm

Sự năng động và phát triển của công nghệ và phần mềm mới dẫn đến hiểu lầm cho nhiều người trẻ rằng chỉ cần có kĩ năng phần mềm tốt thì sẽ làm dự án tốt. Trên thực tế, việc sử dụng phần mềm mà thiếu đi kiến thức chuyên môn thì gần như không thể tạo ra một sản phẩm tốt. Quy trở lại với mục đích của việc áp dụng BIM, đó là tạo lập thông tin đáng tin cậy để con người dựa vào đó ra quyết định. Và để quyết định, thì không thể thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyên môn.

Nhưng tập hợp những con người giỏi vẫn chưa phải là mấu chốt để doanh nghiệp áp dụng BIM thành công, nếu thiếu đi một tiêu chuẩn và quy trình chung để đảm bảo những con người đó phối hợp với nhau một cách đồng bộ và suôn sẻ. Hơn nữa, việc nhân sự đến và đi là vấn đề của nhiều doanh nghiệp khi ra quyết định đào tạo cho nhân sự của mình. Nhưng nếu có quy trình tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể điều chỉnh hoặc thay thế nhân sự mà vẫn đảm bảo bộ máy hoạt động suôn sẻ.

 

 

4 - (B)IM = IT = Tự động hoá

Bên cạnh hiểu lầm về BIM là phần mềm, một số doanh nghiệp còn cho rằng BIM chính là... Công nghệ thông tin trong khi đây hoàn toàn là một lĩnh vực khác. Việc áp dụng BIM không thể thiếu các công cụ, phần mềm tốt và phù hợp. Nhưng áp dụng BIM còn đòi hỏi kĩ năng, kiến thức chuyên môn của nhân sự, cũng như tiêu chuẩn và quy trình quản lý của doanh nghiệp. Áp dụng BIM không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nhưng rõ ràng BIM không phải là IT.

Ví dụ ý tưởng về Generative Design vốn đã ra đời từ rất lâu, nhưng đến những năm gần đây mới được áp dụng vào lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng, chính là vì công nghệ gần đây mới đủ phát triển để làm cho ý tưởng đó trở nên khả thi và gần gũi hơn với các Kiến trúc sư, Kĩ sư thay vì phải lập trình trực tiếp. Generative Design tự động đưa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phương án thiết kế cho người thiết kế lựa chọn. Những tưởng thuật toán này sẽ làm thay thế công việc chuyên môn, nhưng thực ra, thuật toán sẽ không chạy nếu không được con người cung cấp đầu vào là các yêu cầu dự án, mục tiêu thiết kế và các tham số liên quan và kết quả đưa ra bởi Generative Design cũng sẽ vô nghĩa nếu không được con người xem xét và lựa chọn kết hợp với các yếu tố bổ sung như thẩm mỹ, hay tính "phù hợp" với dự án, các tham số mà không thể định lượng hay chuyển hoá thành con số được. Đầu vào và đầu cuối vẫn phải là con người bất kể công nghệ tự động hoá đến mức nào.

 

 

Theo: https://thao.work/

Quý khách quan tâm tới các giải pháp phần mềm BIM, dịch vụ tư vấn BIM, dịch vụ đào tạo BIM có thể tìm hiểu thêm tại: Tư vấn BIM