Tại sao cần phân tích đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA)?

31/07/2023

Lượt xem 820

LCA (Life cycle assessment) hiện tại đang là một phương pháp tối ưu và hiệu quả để tính lượng phát thải theo đơn vị sản phẩm.

Đo lường các yếu tố môi trường

LCA là kỹ thuật phân tích và đánh giá các tác động toàn diện đến môi trường trong toàn bộ vòng đời một sản phẩm hay dịch vụ từ khâu khai thác nguyên liệu thô đến khi sản xuất, sau đó được sử dụng và tái chế hoặc bị thải bỏ (nghĩa là: từ lúc mới sinh ra cho đến hết đời).

Hiện nay, vấn đề môi trường đang là vấn đề nóng được quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất ngành xi măng, sắt thép hay điện… bởi nhà nước đang đưa ra những nghị định và quy chế liên quan đến vấn đề kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; bên cạnh đó, các thị trường quốc tế cũng đang dần dần áp dụng các quy chế đánh thuế phát thải carbon ví dụ như CBAM cho thị trường Châu Âu. Chính vì lí do đó, việc kiểm kê khí nhà kính là việc làm vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp biết lượng phát thải của đơn vị mình là bao nhiêu, từ đó đưa ra lộ trình giảm phát thải phù hợp và hiệu quả.

Về phương pháp kiểm kê khí nhà kính, hiện tại có hai phương pháp chính là Phương pháp tính phát thải quy mô toàn bộ công ty và Phương pháp tính phát thải trên đầu sản phẩm. Đối với phương pháp thứ 2, LCA hiện đang là kỹ thuật phân tích sử dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 14040:2006 được nhiều đơn vị lựa chọn áp dụng để đánh giá những ảnh hưởng của một sản phẩm đến môi trường.

Về bản chất, các sản phẩm bắt đầu khởi nguồn từ nguyên liệu thô cho đến khi được sử dụng hết, hoặc được tái chế, thải bỏ đều tạo ra một lượng khí phát thải nhất định, do đó LCA là phương pháp đo lường các yếu tố môi trường, như tiêu thụ năng lượng, khí thải nhà kính, ô nhiễm không khí, sử dụng tài nguyên tự nhiên và tạo ra chất thải.... Điều này cho phép các nhà quản lý, chính phủ và các doanh nghiệp cũng như khách hàng tiềm năng có cái nhìn toàn diện về tác động của sản phẩm hoặc dịch vụ của họ đối với môi trường.

Đối với các cấp quản lý, từ những số liệu nắm được, họ có thể đưa ra các nghị định, cơ chế để hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Đối với các nhà sản xuất, việc nắm bắt được lượng phát thải của sản phẩm là một yếu tố cần thiết phục vụ cho quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới hay tối ưu hoá quy trình sản xuất, cắt giảm lãng phí, cắt giảm phát thải trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Ngoài ra, việc nắm bắt được dấu chân carbon trong từng sản phẩm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của khách hàng.

 

Phương pháp tối ưu và hiệu quả để tính lượng phát thải

Hiện nay, xu thế thị trường đang ưa chuộng những sản phẩm/doanh nghiệp thân thiện với môi trường, do đó, nhu cầu về thông tin dấu chân carbon sẽ tăng dần từ cả phía người tiêu dùng và phía các nhà đầu tư. Trên thế giới, rất nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng công khai con số dấu chân carbon trên bao bì sản phẩm, từ đó tăng tính minh bạch, tăng độ cạnh tranh thị trường, bên cạnh đó giúp người dùng có thêm thông tin để lựa chọn được sản phẩm có ảnh hưởng môi trường thấp.

Bên cạnh yếu tố về thị trường hay thương mại, LCA chính là minh chứng để các doanh nghiệp có thể đăng kí các loại giấy chứng nhận, nhãn xanh ví dụ như EPD (Environmental Product Declaration - Tuyên bố sản phẩm môi trường) hay dùng để tính thuế phát thải khi sản phẩm được nhập khẩu vào một số thị trường như Châu Âu (theo cơ chế CBAM – cơ chế điều chỉnh biên giới carbon)…

LCA hiện tại đang là một phương pháp tối ưu và hiệu quả để tính lượng phát thải theo đơn vị sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào Châu Âu các mặt hàng như xi măng, sắt thép, điện, phân bón nên cân nhắc phương án tính toán phát thải tích hợp trong từng hàng hóa bởi lẽ hạn nộp báo cáo CBAM lần đầu tiên là cuối Tháng 1, 2024 và nội dung báo cáo sẽ gồm:(i) Số lượng của từng loại hàng hóa theo đơn vị MW/h hoặc tấn; (ii) Tổng lượng phát thải tích hợp trong hàng hóa theo loại; (iii) Bất kỳ giá/thuế carbon nào phải trả ở nước xuất xứ đối với lượng phát thải tích hợp trong hàng hóa nhập khẩu, có tính đến các khoản hoàn thuế và các hình thức bồi thường khác (nếu có).