CIC phối hợp cùng Ban Quản lý ĐTXD Dân dụng & Công nghiệp TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Những điểm mới về cơ chế chính sách áp dụng BIM và triển khai dự án thực tế”

09/03/2023

Lượt xem 111

Vào ngày 3/3 vừa qua, Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC đã phối hợp cùng Ban Quản lý ĐTXD Dân dụng & Công nghiệp TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Những điểm mới về cơ chế chính sách áp dụng BIM và triển khai dự án thực tế”, đem đến những cập nhật mới nhất về chính sách và phương hướng áp dụng BIM vào các dự án thực tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Với sự phát triển không ngừng của ngành xây dựng, công nghệ Building Information Modeling (BIM) được coi là một trong những quy trình triển áp dự án hiệu quả nhất. Hội thảo BIM diễn ra tại Ban Dân Dung TP Đà Nẵng vào ngày 3/3 đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng tại TP Đà Nẵng.

 

Theo các chuyên gia, việc áp dụng BIM tại Việt Nam là rất cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý dự án xây dựng. BIM giúp tối ưu hóa việc thiết kế, tính toán, quản lý và hoàn thiện các công trình xây dựng một cách chuyên nghiệp hơn, đồng thời giảm thiểu các sai sót trong quá trình thi công và vận hành sau khi hoàn thành.

 

Trong buổi hội thảo, Ông Lương Thành Hưng đã trình bày tổng quan về BIM trong đó ông nhấn mạnh về việc muốn triển khai áp dụng được BIM vào cho dự án thì điều đầu tiên là chúng ta cần biết được chính xác về định nghĩa về BIM. Từ định nghĩa về BIM thì chúng ta có thể tham khảo rất nhiều tài liệu về BIM như ISO 19650, Quyết định 347, 348 về Hướng dẫn áp dụng BIM của Bộ Xây Dựng và nhiều tài liệu khác.

 

Trong bài trình bày của ông Lương Thành Hưng, ông cũng nhấn mạnh về Lộ trình áp dụng BIM đang trình thủ tướng vào cuối năm 2022 vừa qua. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, lộ trình áp dụng BIM bao gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án hoặc dự án chuyển tiếp việc chuẩn bị dự án sang năm 2023.

 

Giai đoạn 2 từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án ĐTXD mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

Tiếp nối phần trình bày, ông Trần Hữu Hải - BIM Manager của công ty CIC đã có bài trình bày về việc áp dụng BIM vào một dự án xây dựng thực tế. Ông chia sẻ rằng việc sử dụng BIM đã giúp cho các chủ đầu tư và Ban Quản lý tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong quá trình thiết kế, quản lý và thực hiện dự án. Ông cũng nhấn mạnh, việc áp dụng BIM không chỉ là giải pháp công nghệ mới mà còn là một tiêu chuẩn quốc tế đang được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển. Ở Đây ông cũng trình bày về các bước cần chuẩn bị cho một dự án BIM với vai trò là chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án để làm sao tiếp cận dự án BIM một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Theo ông thì chủ đầu tư hoặc ban quản lý chỉ cần tiếp BIM ở góc độ quản lý, giám sát, kiểm tra, phê duyệt trong suốt quá trình áp dụng BIM. Vì thế chủ đầu tư chỉ cần cập nhật những kiến thức về BIM như ISO 19650, tài liệu về hướng dẫn áp dụng BIM và những công cụ phối hợp BIM như BIMCollab để đưa ra yêu cầu áp dụng BIM phù hợp cho dự án và nhân sự của mình.


Cuối cùng là phần câu hỏi và trả lời của người tham dự. Các câu hỏi tập trung vào cách áp dụng BIM trong các dự án xây dựng thực tế, những thách thức mà các chuyên gia đang gặp phải trong quá trình triển khai BIM tại Việt Nam, cũng như mức độ chuyển đổi và đào tạo nhân lực để sử dụng BIM hiệu quả.

Một trong số các câu hỏi được đặt ra là về việc áp dụng BIM trong các dự án xây dựng ở giai đoạn nào là phù hợp. Các chuyên gia đã giải đáp rằng, BIM có thể được sử dụng trong xuyên suốt trong cả vòng đời của dự án từ thiết kế đến thi công và bàn giao vận hành tuy nhiên áp dụng BIM ở giai đoạn càng sớm thì càng mang lại hiệu quả cao.

 

Một câu hỏi khác được đặt ra về thách thức mà các chuyên gia đang gặp phải trong quá trình triển khai BIM tại Việt Nam. Các chuyên gia đã trả lời rằng, việc đào tạo nhân lực và tăng cường nâng cao kiến thức về BIM cho các nhà quản lý dự án, nhân viên thiết kế, kỹ sư xây dựng và các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng là điều rất quan trọng và cần thiết. Ngoài ra một điều quan trọng nữa trong công cuộc chuyển đổi số để tiến tới Thành phố Thông Minh Smart City thì tất cả các công trình cũng cần phải được chuyển đổi từ bản vẽ CAD hoặc bản vẽ giấy lên mô hình và từ đó mô hình BIM sẽ là đầu vào để phát triển lên Digital Twins hay gọi là Mô hình số song sinh từ đó tích hợp GIS để có thể đưa vào vận hành cho Thành phố Thông Minh Smart City.

 

Cuối cùng, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên về cách tăng cường ứng dụng BIM trong quản lý dự án xây dựng tại Việt Nam. Đó là cần có một chiến lược áp dụng BIM rõ ràng, chia sẻ thông tin giữa các bộ phận và nhân viên, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, đồng thời tìm hiểu và nghiên cứu những công nghệ mới để tăng tính hiệu quả và chuyên nghiệp trong quản lý dự án.

 

Với sự thành công của buổi hội thảo BIM tại Ban Dân Dung TP Đà Nẵng, các chuyên gia hy vọng rằng, việc áp dụng BIM sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, từ đó giúp tối ưu hóa quản lý dự án và nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

Cuối cùng, Ông Nguyễn Hữu Hinh - Trưởng BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP ĐÀ NẴNG đã có bài phát biểu kết thúc hội nghị. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành xây dựng và xu hướng tất yếu phải áp dụng BIM trong giai đoạn sắp tới. Và Ban Dân Dụng cùng các Ban chuyên môn khác sẽ dành thời gian nghiên cứu và lên kế hoạch để có thể kịp thời áp dụng BIM vào trong các dự án sắp tới của Ban.

 

Tổng kết buổi hội thảo, các diễn giả đã đồng thuận rằng việc áp dụng BIM đang trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi trong ngành xây dựng tại Việt Nam. BIM không chỉ giúp tăng cường hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, quản lý và thực hiện dự án, mà còn mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành xây dựng Việt Nam trong thời gian tới.