CIC tập huấn đào tạo vai trò của BIM trong chuyển đổi số ngành xây dựng

23/10/2023

Lượt xem 147

Nhân tháng Chuyển đổi số và theo Kế hoạch được giao của Đoàn Khối Cơ quan TW, Đoàn TN Bộ Xây dựng phối hợp với Công ty CIC tổ chức tập huấn trực tuyến về vai trò của BIM trong chuyển đổi số ngành Xây dựng vào chiều ngày 17/10/2023.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng

Chuyển đổi số ngành xây dựng là nhiệm vụ quan trọng và trọng tâm của toàn ngành xây dựng hiện nay. Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 258/QĐ – TTg phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. 

Là một trong những đơn vị đào tạo, tư vấn các dịch vụ BIM, Công ty CIC phối hợp với Đoàn TN Bộ Xây dựng triển khai buổi tập huấn trực tuyến cho các đoàn viên tại các cơ sở thuộc Đoàn khối Cơ quan TW Bộ Xây dựng với chủ đề về vai trò của BIM trong chuyển đổi số ngành xây dựng. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng của năm 2023 đối với các cơ sở đoàn thuộc Đoàn khối cơ quan TW Bộ Xây dựng. 
Thạc sỹ Lương Thành Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CIC (Bộ Xây dựng) trực tiếp tập huấn. Chương trình tập huấn gồm các nội dung sau:

1.    Tổng Quan về BIM, Vai trò của BIM trong Chuyển đổi số ngành Xây Dựng

2.    Tổng hợp cơ chế chính sách áp dụng BIM

3.    Tổng hợp cơ chế chính sách áp dụng BIM

4.    CAD-BIM-Digital Twins

Tại buổi tập huấn, các đoàn viên cơ sở đoàn thuộc Bộ Xây dựng được quán triệt, nâng cao kiến thức chuyên môn về mô hình thông tin công trình (BIM) như: lợi ích của BIM trong quản lý hoạt động xây dựng; kiến thức về pháp lý và chuyên môn cần thiết để áp dụng BIM theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 258/QĐ-TTg; Lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình; các yêu cầu tối thiểu để áp dụng BIM trong xây dựng, thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình xây dựng; những lợi ích khi áp dụng BIM đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các bước chuẩn bị và chi phí cần đầu tư khi áp dụng BIM,…

Thông qua lớp tập huấn trực tuyến lần này, Công ty CIC và Đoàn TN Bộ Xây dựng mong muốn tạo điều kiện để các đoàn viên nâng cao kiến thức về BIM; từ đó định hướng phát triển ngành xây dựng, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng, thúc đẩy chuyển đổi số. 

Vai trò của BIM trong chuyển đổi số 

Theo định nghĩa, BIM (viết đầy đủ là: BUILDING INFORMATION MODELING) là việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hoá các công trình không gia ba chiều(3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành. 

Tại buổi tập huấn, Thạc sĩ Lương Thành Hưng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CIC cho biết Vai trò của BIM trong chuyển đổi số Ngành xây dựng là:

Tích hợp thông tin: BIM cho phép tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, như thiết kế, quy hoạch xây dựng, quản lý dự án và quản lý tài sản. Điều này giúp tạo ra một nguồn thông tin tập trung và đáng tin cậy để quản lý xuyên suốt vòng đời dự án.

Tạo mô phỏng 3D: BIM cho phép tạo mô hình 3D của dự án xây dựng. Điều này giúp các bên liên quan có thể xem trực quan cách dự án sẽ trông như sau khi hoàn thành, giúp tránh lỗi và tối ưu hóa thiết kế trước khi tiến hành xây dựng;

Quản lý dự án: BIM cung cấp các công cụ quản lý dự án mạnh mẽ, giúp theo dõi tiến độ, nguồn lực và ngân sách dự án. Nó giúp cải thiện hiệu suất quản lý và giảm nguy cơ trễ hạn và vượt ngân sách;

Tối ưu hóa quy trình xây dựng: BIM cho phép phân tích và tối ưu hóa quy trình xây dựng, giúp giảm thiểu lãng phí, tăng năng suất lao động và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.

Quản lý tài sản: Sau khi dự án hoàn thành, BIM tiếp tục cung cấp giá trị bằng cách quản lý thông tin về tài sản xây dựng. Nó giúp theo dõi bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp, tối ưu hóa quản lý tài sản và gia tăng tuổi thọ của chúng;

Hợp tác và trao đổi thông tin: BIM cung cấp nền tảng để hợp tác hiệu quả giữa các bên tham gia dự án, bao gồm các nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư và chủ đầu tư. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả và giảm thiểu xung đột.

Cải thiện quản lý thay đổi: BIM giúp quản lý và theo dõi các thay đổi trong thiết kế và quy trình xây dựng một cách hiệu quả, giúp đảm bảo sự nhất quán và chính xác trong dự án.

Lợi ích của BIM cho các cơ quan quản lý

Theo Anh Lương Thành Hưng, đối với các cơ quan quản lý Nhà Nước, BIM chính là công cụ hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu.  

Thông qua mô hình thông tin công trình, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị có được cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch, kiến trúc công trình, đấu nối hạ tầng kĩ thuật... phục vụ quá trình xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng... Nếu được xây dựng đồng bộ quy trình xét duyệt thông qua cổng điện tử một cửa có thể giúp nâng cao chất lượng xét duyệt, cải tiến thủ tục hành chính hướng đến tăng năng suất và hiệu quả cho tất cả các bên;

Việc ứng dụng BIM trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình giúp giảm được thời gian nghiên cứu và phê duyệt hồ sơ cấp phép cũng như phục vụ rất có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng do các thông tin của công trình được thể hiện logic, đầy đủ và trực quan.

CIC đã tập huấn và tổ chức các hội thảo chia sẻ các kiến thức về việc ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) tại các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp.

Một vài hình ảnh của CIC tại các buổi đào tạo, tập huấn:

Một số hình ảnh hội thảo về BIM do CIC phối hợp với các địa phương tổ chức trong thời gian qua