Tin công ty
Trang chủ > Tin tức > Tin công ty > Đề xuất tăng 981 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính15/11/2023
Lượt xem 174
Với cam kết tại CPO26, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 (net zero), các hoạt động kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 và đạt được một số kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Bộ Tài Nguyên & Môi trường đang thực hiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Theo đó, Bộ TN & MT cho biết, các danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg chưa bao gồm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số cơ sở mới đáp ứng các tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đã thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) đối với một số hàng hóa cụ thể như thép, xi măng, hóa chất, phân bón... và xu hướng sẽ tiếp tục mở rộng ra các lĩnh vực khác.
Vì thế, việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật là rất cần thiết nhằm thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, đồng thời thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, tập trung vào 5 ngành chính là Công thương, giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể như sau:
Ngành công thương có 2.261 cơ sở (Phụ lục II) là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 599 cơ sở so với năm 2022.
Ngành giao thông vận tải có 81 cơ sở (Phụ lục III) là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đã được Bộ Giao thông vận tải rà soát, đề xuất đưa vào danh mục, có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 11 cơ sở so với năm 2022.
Ngành xây dựng có 140 cơ sở (Phụ lục IV) bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 36 cơ sở so với năm 2022. Theo ý kiến của các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng, danh mục thuộc ngành xây dựng không bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học do việc vận hành các loại toà nhà này không thuộc diện quản lý của ngành xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của các loại toà nhà nêu trên không lớn so với tổng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực toà nhà.
Ngành tài nguyên và môi trường có 70 cơ sở xử lý chất thải rắn (Phụ lục V) có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên, giảm 6 cơ sở so với năm 2022.
Xem chi tiết Đề xuất Danh mục các có sở thuộc các ngành phải thực hiện tại đây
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với 341 cơ sở (Phụ lục VI) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên.
Như vậy, tổng số cơ sở thuộc các danh mục cập nhật là 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở, tương đương với mức tăng 51,3% so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Đây là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải khí nhà kính, thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) vào năm 2030.
Có thể thấy sự quyết tâm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới con đường phát triển carbon thấp, và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Việt Nam vào năm 2050.